Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông là một giải thưởng danh giá được tổ chức nhằm vinh danh những đóng góp xuất sắc trong công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển nền Y dược học cổ truyền (YDCT) Việt Nam. Giải thưởng này được đặt theo tên của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một danh y nổi tiếng trong lịch sử Y học Việt Nam, người có công lớn trong việc nghiên cứu, phát triển Y học cổ truyền của dân tộc. Cá nhân được tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông sẽ được nhận Bằng chứng nhận giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông của Bộ trưởng Bộ Y tế, Huy hiệu của giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông, ghi tên trong Sổ vàng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông do Bộ Y tế quản lý.
Ngày 26-12-2024, tại TP Hà Tĩnh, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khoa học Y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ III năm 2024 và trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác y dược cổ truyền lần thứ 7 (cho 54 cá nhân) và thứ 8 (cho 80 cá nhân) có thành tích trong công tác kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền. Trường Đại học Dược Hà Nội đã vinh dự được trao tặng 01 giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông dành cho PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuyển – Phó hiệu trưởng – Trưởng Khoa: DL-DHCT
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao bằng chứng nhận và huy hiệu cho các cá nhân đạt giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác y dược học cổ truyền
PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuyển người gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của Y học cổ truyền Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuyển – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Dược liệu – Dược học cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội – người đã có gần 30 năm cống hiến cho lĩnh vực Dược học cổ truyền tại ngôi trường này. Từ những ngày còn trên giảng đường, PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuyển đã bộc lộ niềm đam mê mãnh liệt với cây thuốc, dược liệu và Y dược học cổ truyền. Sau khi tốt nghiệp, ông dấn thân vào sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và giảng dạy, đóng góp tích cực vào công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển nền Y Dược học cổ truyền Việt Nam.
Với niềm say mê nghiên cứu dược liệu – dược học cổ truyền, ông đã chuyên sâu nghiên cứu về Y Dược cổ truyền phương đông tại Đại học Trung Y Dược Quảng Châu, Trung Quốc và nhận học vị Tiến sỹ năm 2007. PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuyển đã sáng tạo, đổi mới, vận dụng những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, trải nghiệm qua thực tiễn, áp dụng vào nghiên cứu khoa học, bảo tồn, phát triển nền y dược học dân tộc nước nhà và đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ. PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuyển đã trực tiếp hướng dẫn khoảng 100 Nghiên cứu sinh, học viên cao học, học viên chuyên khoa cấp 1, sinh viên làm luận án, luận văn, khoá luận tốt nghiệp về lĩnh vực dược học cổ truyền, trong đó có 3 nghiên cứu sinh, 34 học viên cao học, chuyên khoa đã bảo vệ thành công luận án, luận văn tốt nghiệp. Dưới sự hướng dẫn của ông, các sinh viên, học viên sau tốt nghiệp đều có năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu vị trí công tác, thành công trong cuộc sống.
Các thành tựu về nghiên cứu khoa học chuyên ngành Dược liệu – Dược học cổ truyền của PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuyển
Chủ trì 01 đề tài cấp Thành phố nghiên cứu về bài thuốc hỗ trợ điều trị Eczema, tham gia nhiều đề tài, dự án nghiên cứu cấp nhà nước và cấp bộ; chủ trì nhiều đề tài cấp cơ sở.
Chủ biên 02 giáo trình quan trọng “Dược lý dược cổ truyền” (2021) và “Phương thuốc cổ truyền” (2024), tham gia biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu khác.
Công bố 70 bài báo khoa học, bao gồm 11 bài trên tạp chí quốc tế.
Trường Đại học Dược Hà Nội xin được gửi lời chúc mừng chân thành nhất đến PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuyển. Đây là một thành tựu quan trọng, không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là niềm tự hào của thầy và trò Nhà Trường trong việc bảo tồn, phát triển nền y dược học cổ truyền tại ngôi trường có bề dày lịch sử đào tạo dược hơn 110 năm. Hy vọng những năm tiếp theo, PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuyển tiếp tục đạt được những thành công mới trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành y dược học cổ truyền tại Việt Nam.
Ảnh: TS. Đặng Việt Hùng- Bí thư đảng ủy, CT HĐT thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng giải thưởng Hải thượng Lãn Ông cho P.GS.TS Nguyễn Mạnh Tuyển
Bài viết: Hoài Phương – Minh Huế