DUNI.EDU.VN

Thuốc xịt kéo dài thời gian quan hệ tốt nhất hiện nay

Thuốc Khác

Thuốc Tamiflu 75 mg là thần dược hay thuốc gây ngộ sát??

tamiflu

Hình ảnh: thuốc tamiflu 75 mg của Roche

Câu chuyện bị lây cúm nhanh chóng của bản thân

Hơn 2 tuần trước, tôi có một cuộc nói chuyện vui vẻ với một nhóm sinh viên, chủ yếu là các bạn nữ nhỏ nhẹ và e thẹn. Nhưng trong nhóm ấy có một bạn nam thỉnh thoảng lại ngửa mặt lên trời hắt hơi. Những cú hắt hơi vô tư và sảng khoái, chẳng lần nào tôi thấy bạn nam ấy lấy tay áo che miệng, cách mà những bậc cha mẹ và thầy cô giáo phương tây vẫn dạy trẻ em như một phép lịch sự tối thiểu.

hắt hơi

Lúc đó tôi ước mình có một chiếc mặt nạ.

Tôi chỉ còn biết thầm hi vọng, rằng bạn nam sinh viên đó chỉ bị cảm lạnh bình thường, không có gì quá nghiêm trọng.

Một cú hắt hơi dịch nhày và nước bọt bắn ra khỏi miệng với vận tốc 16km/h!

Đó là kiến thức quá cổ lỗ từ ngày xửa ngày xưa. Hàng loạt những nghiên cứu khoa học công phu gần đây đã đưa ra những con số chính xác lớn hơn nhiều, theo đó hắt hơi tạo ra những giọt nước bọt bay trong không khí với tốc độ phản lực 320km/h, thậm chí còn hơn thế nữa ở những người đàn ông to khỏe, theo Tạp chí Nghiên cứu Chất lỏng và Tạp chí Cơ học Chất lỏng mà tôi đọc được từ năm 2014.

Mỗi giọt nước bọt nhỏ có kích thước 5-10µm.

Khoảng 40 ngàn giọt nước bọt bắn ra sau mỗi lần hắt hơi. Các giọt lớn hàng trăm micromet sau hành trình bay vài mét rồi nhanh chóng rơi xuống đất theo tác dụng của lực trọng trường. Nhưng hạt nhỏ 5-10µm thì cứ bay lơ lửng trong không trung như hạt bụi mịn, mang theo hàng triệu con vi khuẩn vi rút gây bệnh.

13/12 (thứ sáu): vào lúc nửa đêm tôi hắt hơi, sổ mũi, rồi nghẹt mũi nặng, đến gần sáng thì mũi hoàn toàn tắc tịt không thở nổi.

Buổi sáng thức dậy, tôi cảm thấy lạnh đến mức tôi cứ run rẩy, không muốn rời khỏi giường. Sau khi vật lộn 15 phút, nâng quyết tâm rồi hạ xuống rồi lại nâng, cuối cùng tôi cũng vào được nhà vệ sinh.

Thứ 7 tôi phải đi trực, nhiệt độ trước khi rời khỏi nhà là 37.7˚C, minh mẩy đau ê ẩm như vừa trải qua một trận đòn tra tấn, và tôi không thể ngăn được những giọt nước mắt cứ tự nhiên chảy ra từ khóe mắt.

Tôi đã bị lây cúm với tốc độ rất nhanh và đau đớn nhiều hơn mức tôi tưởng.

TÔI TÓM TẮT LẠI CHÚT MẸO VỀ CÚM

Cúm có thể truyền từ người này qua người khác, từ những giọt nước bọt khi ho, hay hắt hơi.

Ho sẽ tạo ra khoảng 3 ngàn giọt nước bọt với tốc độ 80km/h. Hắt hơi tạo ra khoảng 40 ngàn giọt nước bọt với tốc độ phản lực 320km/h. Các giọt nước bọt nhỏ 5-10µm như những hạt bụi mịn, bay lơ lửng trong không khí, mang theo hàng triệu con virus cúm để lây cho người khác. Vì vậy, người bị cúm hãy đeo khẩu trang, hoặc lấy ống tay áo che miệng khi ho và hắt hơi.

Virus cúm xâm nhập vào cơ thể ủ bệnh 3-7 ngày thì bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Các biểu hiện lâm sàng là sốt cao, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, xổ mũi, nghẹt thở, ho. Nếu sốt giảm nhanh thì bệnh ít lây truyền hơn so với sốt kéo dài. Thời gian cách li để tránh lây truyền là khoảng 1 tuần kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Cách li bằng cách đeo khẩu trang, tránh ngồi ăn cùng vì ăn không thể đeo khẩu trang, hạn chết tiếp xúc gần với những người xung quanh đặc biệt là trẻ nhỏ.

Bệnh cúm thường kéo dài 2 tuần thì khỏi hẳn. Tuy nhiên, một số trường hợp xảy ra biến chứng nghiêm trọng, như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, hoặc bội nhiễm vi khuẩn; biến chứng nặng có thể gây tử vong.

Virus cúm có 3 loại: A, B và C!

cấu trúc virus cúm H5N1

Hình ảnh: Cấu trúc virus cúm H5N1

Chủ yếu cúm A gây bệnh nặng và có biến chứng. Cúm B nhẹ hơn và biến chứng ít hơn.

Mùa cúm năm nay đã đến nhưng bị muộn hơn những năm trước.

Vừa mới hôm qua, một bác sĩ trong khoa đã nhờ tôi can thiệp giúp để cháu của bác sĩ ấy được nhập viện, đã chẩn đoán cúm A nhưng quá đông nên bác sĩ khoa khám bệnh giải quyết cho về.

Anh bác sĩ cố gắng giải thích thế nào, thì bố mẹ cháu bé một tuổi rưỡi vẫn nằng nặc xin nhập viện, vì gia đình chưa mua được thuốc Tamiflu nên chưa thể yên tâm.

Không sợ sao được khi lịch sử loài người đã nhiều lần ngửi thấy mùi chết chóc của cúm. Tuy nhiên, bước sang thế kỉ thứ XXI, cúm đã thực sự đổi màu, mối đe dọa đã suy yếu đi rất nhiều và không còn gây tử vong hàng loạt. Lí do là ngoài những biện pháp phòng ngừa tích cực như tiêm vaccine phòng cúm, thì có vai trò của các thuốc điều trị, từ thuốc cắt triệu chứng đến thuốc ngăn chặn phát triển của virus. Một trong những thuốc ấy là Tamiflu!

Vậy thuốc Tamiflu là thuốc gì?

Tamiflu với tên thuốc gốc là Oseltamivir, được chỉ định để điều trị cúm A và cúm B không có biến chứng, trong thời gian 48 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng. Giá thương mại mỗi vỉ thuốc chính hãng vào khoảng 480 ngàn 10 viên. Nhưng do khan hiếm, thuốc được người bệnh coi là “thần dược” nên các hiệu thuốc đã hết sạch, hàng xách tay trôi nổi giá từ 1,6 – 3,2 triệu mỗi vỉ, vậy mà người bệnh vẫn khong tìm thấy để mua.

thuốc tamiflu 75 mg

Hình ảnh: mặt trước của vỉ thuốc tamiflu 75 mg của Roche

MỘT CHÚT VỀ LỊCH SỬ TAMIFLU

Sự ra đời của Tamiflu có liên quan đến một tờ áp phích hội nghị.

Vào ngày 14 tháng 10 năm 1992, một cuộc họp liên ngành thường niên giữa các ngành về thuốc chống nhiễm trùng và hóa trị liệu, được tổ chức bởi Hiệp hội Vi sinh học Hoa Kỳ tại thành phố Los Angeles.

Thời điểm đó, một người đàn ông tên là Norbert Bischofberger cũng đến tham gia hội nghị. Ông là giám đốc của nhóm hóa học hữu cơ thuộc Công ti Khoa học Gilead mới thành lập trong ngành công nghiệp dược phẩm sinh học Mỹ.

Trong cuộc họp, Bischofberger đã duyệt một số tờ áp phích về kết quả nghiên cứu mới nhất. Ông đặc biệt lưu ý tờ áp phích về một hợp chất được phát minh bởi một công ti Úc có thể ức chế sự nhân lên của virus cúm ở chuột.

Công ti mà Bischofberger nói đến, lúc đó đã cho phép công ti Dược phẩm Glaxo đưa ra thị trường hợp chất có tên là Zanamivir, sau này trở thành chất ức chế men Neuraminidase mà sản phẩm cuối cùng là Tamiflu, chất này hiện xuất hiện trong phác đồ chẩn đoán và điều trị cúm.

Cấu trúc hóa học của Zanamivir ngăn không cho virus xâm nhập vào máu qua đường tiêu hóa, điều đó có nghĩa là việc uống không hiệu quả nếu virus xâm nhập qua đường hô hấp.

Bischofberger tin rằng những bệnh nhân bị cúm bị khó thở, thì virus đang ở đường hô hấp, nên việc uống Zanamivir ít có tác dụng. Vì vậy, ông quyết định phát triển các loại thuốc chống cúm đường uống có tác dụng cả với đường hô hấp.

Virus cúm, trên bề mặt màng tế bào có một loại Protein gọi là Neuraminidase, nếu bị ức chế thì virus không thể nhân lên, cũng không thể hoạt động. Để ngăn chặn virus lây lan, zanamivir hoạt động theo cách ức chế ấy. Bischofberger cũng đi tìm một giải pháp thay thế.

Sau 3 năm làm việc chăm chỉ, nhóm của Bischofberger tìm ra Oseltamivir Phosphate, là thành phần hoạt chất của Tamiflu, chất này được tổng hợp. Sau một loạt các thử nghiệm trên động vật, các thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện.

Nhưng khó khăn xuất hiện, là ở thời điểm đó, một loại thuốc mới hoàn toàn sẽ cần đầu tư 500 triệu đến 1 tỷ đô la từ nghiên cứu cho đến khi đủ điều kiện cung cấp ra thị trường, nên rất khó để những công ti khởi nghiệp như Gilead của Bischofberger có thể thực hiện sứ mệnh ấy.

thuốc tamiflu 75 mg của Roche

Hình ảnh: mặt sau của vỉ thuốc tamiflu 75 mg của Roche

Công ti dược phẩm đa quốc gia Roche có trụ sở tại Thụy Sĩ đang hy vọng phát triển các loại thuốc chống cúm, đó là lí do để Gilead nhận được sự tài trợ và hỗ trợ kĩ thuật từ Roche.

Thông thường, một sản phẩm thuốc mới phải mất ít nhất 7 năm để hoàn thành thử nghiệm lâm sàng đến giai đoạn III. Tại thời điểm này, Zanamivir được phát triển bởi Glaxo đã hoàn thành các nghiên cứu lâm sàng giai đoạn II. Do đó, Roche quyết định tăng tốc độ và để hoàn thiện thử nghiệm lâm sàng Oseltamivir Phosphate vào năm 2000.

Ngày 11 tháng 3 năm 1997, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I đã chính thức bắt đầu, Roche công bố kết quả cho thấy Oseltamivir Phosphate tác dụng ngăn ngừa virus tốt, không có những tác dụng phụ không mong muốn.

Đối tượng của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II bắt buộc phải là bệnh nhân cúm. Nhưng thời gian đó là tháng 5 năm 1997, không phải mùa cúm, nên chẳng thể kiếm được bệnh nhân. Để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng càng sớm càng tốt, Roche quyết định tuyển dụng những tình nguyện viên khỏe mạnh, tiến hành để lây nhiễm cho họ virus cúm ít độc lực. Kết quả xét nghiệm cho thấy thời gian trung bình để giải quyết các triệu chứng cúm là 53 giờ với nhóm có dùng thuốc và 95 giờ với nhóm không dùng thuốc.

Khó khăn nhất là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, đòi hỏi hàng ngàn bệnh nhân cúm và phải bắt đầu dùng thuốc trong vòng 48 giờ sau khi có triệu chứng đầu tiên. Vì hầu hết bệnh nhân cúm không đến gặp bác sĩ khi bắt đầu có triệu chứng, nên việc tìm thấy rất nhiều bệnh nhân đủ tiêu chuẩn là rất khó. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu lâm sàng đã quyết định tuyển dụng các đối tượng từ các khu vực có dịch bệnh.

Nhưng cúm mùa đông đến muộn và rất nhẹ. Từ tháng 11 năm 1997 đến ngày 15 tháng 4 năm 1998, Roche chỉ tìm thấy 1355 trường hợp, thấp hơn so với kì vọng thống kê cỡ mẫu. Kết quả xét nghiệm cuối cùng rất lí tưởng: những bệnh nhân sử dụng Oseltamivir Phosphate trong vòng 36 giờ sau khi có triệu chứng cúm so với nhóm giả dược có thời gian hồi quy cúm khoảng một ngày rưỡi, đáp ứng các yêu cầu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Vào ngày 1 tháng 10 năm 1999, một hộp thuốc màu trắng có nhãn “Tamiflu, 75 mg, 10 viên” đã được đặt vào một hiệu thuốc ở Thụy Sĩ.

Xem thêm: Cập nhật giá thuốc Tamiflu 75 mg năm 2019 mới nhất tại đây.

SỰ NỔI TIẾNG CỦA TAMIFLU

Ban đầu bệnh nhân chẳng quan tâm đến hộp thuốc Tamiflu.

Để quảng bá, Roche đã nghĩ ra rất nhiều cách, như tổ chức các buổi thuyết trình tại 12 thành phố ở Thụy Sĩ, mời các phóng viên tham dự tiệc chiêu đãi và nhờ các chuyên gia giúp đỡ. Trong mùa cúm đầu tiên ấy, doanh số của Tamiflu đạt khoảng 100 triệu đô la, chiếm 70% thị phần. Tamiflu nhanh chóng đánh bại đối thủ Zanamivir chỉ bằng đúng một cú đánh.

Tamiflu được Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt năm 1999 và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) phê duyệt năm 2002.

Rõ ràng các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng từ tháng 3 năm 1997 đến tháng 10 năm 1999 là quá ngắn ngủi, dữ liệu hạn chế, Roche cũng bảo lưu nguồn dữ liệu không công khai và không cho tiếp cận. Nhưng Tamiflu nhanh chóng trở nên nổi tiếng bởi các đại dịch cúm nghiêm trọng diễn ra trên toàn thế giới.

fda approved tamiflu 1999

Hình ảnh: thuốc Tamiflu được FDA phê duyệt năm 1999.

Vào năm 2005, dịch cúm H5N1 hoành hành trên khắp thế giới.

Nhân sự kiện này, Roche mang đến tặng Tổ chức Y tế Thế giới WHO 3 triệu hộp Tamiflu. Ngay lập tức, WHO khuyến cáo Tamiflu thành loại thuốc thiết yếu chống cúm gia cầm. Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu Roche nhanh chóng cung cấp cho Mỹ 200 triệu hộp Duffy.

Năm đó, doanh số của Duffy lên tới 1,6 tỉ đô la.

Năm 2009, đại dịch cúm toàn cầu, Tamiflu đã tạo ra doanh thu hàng năm là 3 tỷ USD và được các chính phủ xếp hàng đặt mua với số lượng rất lớn để đối phó với dịch cúm có nguy cơ lan rộng. Một năm sau, dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, WHO lập tức đưa Tamiflu vào Danh mục thuốc thiết yếu.

Kết quả, Tamiflu đã tạo ra doanh thu hơn 18 tỉ USD, một nửa số thuốc các chính phủ mua về để dự trữ.

Năm 2014, một bài báo đăng trên BMJ đã mô tả lỗi hệ thống liên quan đến Tamiflu, theo đó CDC, EMA, WHO đã đưa ra hàng loạt những quyết định dựa trên các bằng chứng thiếu sót. Chúng bao gồm việc không cô bố tất cả các bằng chứng có sẵn, để cung cấp dữ liệu ở cấp độ bệnh nhân riêng lẻ và nhận ra các giới hạn của dữ liệu quan sát.

Xem lại, FDA phê duyệt Tamiflu từ năm 1999, nhưng từ lâu FDA đã kết luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy Tamiflu có tác dụng giảm các biến chứng của cúm, giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong; FDA cũng ngăn cản nhà sản xuất đưa ra những tuyên bố như vậy trong quảng cáo Tamiflu.

TAMIFLU CÓ PHẢI LÀ THẦN DƯỢC?

Đầu năm 2009, do đại dịch cúm, chính phủ của tất cả các quốc gia đã chi một khoản tiền lớn để mua Tamiflu về dự trữ trong kho.

Tốn quá nhiều tiền, các quan chức Anh và Úc chờ đợi các tổ chức y tế dựa trên bằng chứng có thẩm quyền quốc tế đánh giá lại các đặc tính dược phẩm của Tamiflu, nếu thực sự là “thần dược” thì đắt mấy cũng phải mua.

Là một tổ chức phi lợi nhuận với 13.000 thành viên, những gì Cochrane làm là tập hợp tất cả các kết quả nghiên cứu đã công bố để phân tích tổng hợp lại, tạo thành một báo cáo đánh giá đầy đủ, liên tục cập nhật kết quả nghiên cứu khi có bằng chứng mới xuất hiện.

Đối với Tamiflu, ban đầu, Cochrane kết luận rằng thuốc này có thể làm giảm tỷ lệ biến chứng cúm như viêm phổi, dựa trên phân tích tổng hợp 10 thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát do Roche thực hiện. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số 10 thử nghiệm được xem xét rõ ràng, còn lại 8 thử nghiệm không được công bố.

Kết luận ban đầu ấy không đủ tin cậy.

Giáo sư Tom Jefferson, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford, đã liên hệ với tác giả của các nghiên cứu, đề nghị được tiếp cận cơ sở dữ liệu của Roche và yêu cầu công khai dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, Roche từ chối công bố báo cáo nghiên cứu đầy đủ vì nhiều lý do. Cuộc giằng co giữa hai bên đã diễn ra hơn bốn năm.

Năm 2013, Cochrane nhận được 107 báo cáo nghiên cứu lâm sàng từ Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, GlaxoSmithKline và Roche, đồng thời đánh giá các đánh giá thuốc do FDA, EMA và các cơ quan quản lý Nhật Bản thực hiện. Nhóm nghiên cứu bao gồm 47 báo cáo trong phân tích chính thức, 20 báo cáo về Oseltamivir Phosphate (9623 người tham gia) và 26 nghiên cứu về Zanamivir (14628 người tham gia).

Vào ngày 10 tháng 4 năm 2014, Cochrane đã công bố báo cáo phân tích tổng hợp của mình trên Tạp chí Y học Anh. Kết quả cho thấy trong điều trị cúm nhẹ, Oseltamivir có thể giảm các triệu chứng cúm ở người trưởng thành trong 16,8 giờ (từ 7 ngày xuống còn 6,3 ngày), đối với trẻ bị cúm, thời gian này là 29 giờ, nhưng nó không có tác dụng đáng kể đối với trẻ bị hen suyễn.

Một phát hiện quan trọng khác của nghiên cứu là Tamiflu có tác dụng không đáng kể trong việc cải thiện tỷ lệ nhập viện và nó cũng thiếu bằng chứng mạnh mẽ để giảm các biến chứng cúm như viêm phổi, và giảm cúm không triệu chứng và giảm sự lây lan của virus cúm. Hiệu quả của Tamiflu là không rõ ràng. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết việc sử dụng Tamiflu cũng làm tăng nguy cơ buồn nôn và nôn khi điều trị, với người lớn và trẻ em làm tăng nguy cơ tương ứng khoảng 4% và 5%.

Trên thực tế, kể từ năm 2012, có 3 phân tích tổng hợp dựa trên dữ liệu cá nhân về việc cải thiện các chất ức chế Neuraminidase (đặc biệt là Oseltamivir) đã được công bố. Một phân tích được hoàn thành bởi hai trong số các cơ quan độc lập tuyên bố rằng Oseltamivir không có hiệu quả trong việc cải thiện tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhập viện.

Dựa trên những phân tích tổng hợp này, năm 2017, WHO đã điều chỉnh đưa Tamiflu ra khỏi danh mục thuốc thiết yếu, đến nay WHO khuyến cáo Tamiflu chỉ là “thuốc bổ sung” điều trị cúm.

TAMIFLU CÓ PHẢI LÀ THUỐC GIẾT NGƯỜI?

Vào ngày 26 tháng 1 năm 2018, một người dùng Facebook đã đăng một stt nói về cô con gái bị tác dụng phụ tâm thần do thuốcTamiflu mang, gây nên tình trạng ngộ sát.

“Đêm qua con gái tôi đã cố giết tôi. Buổi tối đi làm về, tôi thấy con gái Emma bị sốt 38.4˚C và sổ mũi. Tôi cho con gái uống Tylenol, rồi gửi mấy đứa con trai đến nhà mẹ tôi bên cạnh, rồi đưa con gái đến gặp Pedi. Bốn giờ sau, họ cho con tôi uống một liều Tylenol khác và kê đơn thuốc Tamiflu kèm Ibuprofen sau khi chẩn đoán con tôi bị cúm.

Đơn thuốc đã mua, thuốc được tôi cho vào xe đậu trong bãi, nhưng con gái tôi vẫn bị sốt 39.4˚C nên tôi cảm thấy như không thể đợi 4 giờ để cho uống liều tiếp theo, chúng tôi lái xe về nhà. Trong vòng ba mươi phút sau khi ngủ thiếp đi, con gái tôi tỉnh dậy. Cơn ác mộng của tôi bắt đầu.

Con gái tôi thức dậy nhưng không phải là chính mình, phá vỡ mọi thứ, rồi đi vào phòng ngủ của tôi và nói rằng sẽ giết tôi. Sau mười phút vật lộn với con gái, cố gắng giải thích và đánh thức con khỏi những gì tôi cho là khi ngủ, tâm trạng của con bứt rứt. Con gái tôi bắt đầu khóc và nói rằng, mẹ ơi, con rất xin lỗi. Con yêu mẹ nhưng con không thể tỉnh lại. Tiếng ồn trong đầu sẽ không cho phép con.”

Phần sau của Stt nói về tác dụng của Tamiflu gây ảo giác, cố gắng đưa ra tính hợp lí giữa tác dụng phụ của Tamiflu với sự kiện đập phá và đòi giết mẹ của cô bé, đó là những điều không thể kiểm chứng.

Một câu chuyện tương tự khác, xảy ra với một bé gái 6 tuổi ở Allen, Texas, đã xuất hiện các triệu chứng của ảo giác và những hành vi làm tổn thương chính mình, sau khi uống Tamiflu.

Tamiflu

Hình ảnh minh họa trẻ em có triệu chứng ảo giác sau khi sử dụng thuốc Tamiflu

Tin này do đài phát thanh địa phương CBS-11 Dallas Fort Worth công bố

Cụ thể, ngày 12 tháng 1 năm 2018, một bé gái 6 tuổi sau khi uống thuốc Tamiflu, đã trèo lên bàn rồi đu qua cửa sổ tầng 2, đòi nhảy xuống đất khi nhìn thấy mẹ. Ngay lập tức bé gái được đưa đến bệnh viện, Tiến sĩ Glenn Hardesty, thuộc Texas Health Prosper, nói rằng đó có thể là tác dụng phụ của Tamiflu và nó rất hiếm nhưng có thể xảy ra.

Tamiflu có hay không những tác dụng phụ như: ảo giác, có thể có hành vi tự sát, co giật, lú lẫn, hoặc hành vi bất thường khác?

Các nghiên cứu về tác dụng phụ của Tamiflu là chưa rõ ràng, nên những tình huống như 2 trường hợp trên đây, cũng có thể hoặc không.

KẾT LUẬN:

Đến nay các nghiên cứu đều thống nhất như sau:

  1. Thuốc chỉ điều trị cúm A hoặc cúm B ở mức độ nhẹ.
  2. Thời gian uống thuốc trong vòng 48 tiếng kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
  3. Thuốc chỉ có tác dụng giảm triệu chứng so với không uống thuốc 17 giờ ở người lớn và 29 giờ ở trẻ em.
  4. Thuốc không giảm các biến chứng và không ngăn ngừa tử vong.
  5. Chưa rõ ràng tác dụng phụ ảo giác, ngộ sát, co giật khi uống Tamiflu.

Tóm lại thuốc không phải thần dược, giá 1.6 – 3.2 triệu là quá đắt, WHO đưa vào danh mục thuốc thiết yếu rồi lại nhấc ra thành “thuốc hỗ trợ” điều trị cúm, xu hướng người bệnh đang bắt đầu từ chối dùng thuốc này.

Đợt cúm vừa rồi tôi cũng không dùng thuốc Tamiflu!

Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc.